Cuốn sách này tập hợp một số bài nói chuyện của tôi với đối tượng phần lớn là thanh niên, từ học sinh cấp ba đến sinh viên đại học và các doanh nhân trẻ khởi nghiệp. Đa số các bạn ở trong độ tuổi từ 16 đến 30. Vì lý do đó tựa đề của cuốn sách này được chọn là “Trò chuyện cùng Gen Z”.
Động lực lớn nhất thúc đẩy tôi thực hiện cuốn sách này là từ lời nhắn nhủ của ba tôi - kỹ sư Công chánh Trần Sĩ Huân. Sinh thời, ông từng dặn tôi rằng, thế hệ đi trước phải có trách nhiệm chuyển giao kiến thức, hướng dẫn thế hệ đi sau. Ông còn nói, làm gì phải được việc nhưng cũng phải được người. Mà để được người thì phải hướng dẫn, đào tạo thế hệ đi sau. Tôi luôn cảm thấy biết ơn ba tôi vì đã cho chỉ tôi một hướng đi mà tôi đang cảm thấy rất hạnh phúc.
Từ năm 2019 đến nay, tôi dành nhiều thời gian trò chuyện với các bạn trẻ. Tôi nhận ra hầu hết các bạn đều có cùng chung những trăn trở: Nên học gì, chọn nghề gì cho tương lai? Có nên khởi nghiệp hay không? Khởi nghiệp thì nên làm gì, làm như thế nào? Thế giới đang thay đổi cực nhanh, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi cục diện thế giới từ công ăn việc làm đến quan hệ giữa con người với con người, dẫn đến những hệ lụy kinh tế, chính trị, xã hội có tính lịch sử chưa lường được. Vậy thì mình nên nhìn nhận nó ra sao và nên sống với nó như thế nào?… Đây là những câu hỏi mà mọi thế hệ đều trải qua. Chỉ có khác biệt là vận tốc cũng như gia tốc đổi thay của thế hệ sau đang ngày càng lớn hơn rất nhiều so với các thế hệ trước. Bản thân tôi cũng đã từng trải qua một giai đoạn đầy hoang mang khi lớn lên, đi học và đi làm ngay giữa tâm bão của Cách mạng 3.0, ngay tại trung tâm địa chấn là vùng thung lũng Silicon, bang California (Mỹ) những năm giữa thập niên 1970. Các công ty công nghệ khởi nghiệp thời ấy tuyển người cũng nhanh mà thải người cũng nhiều, không khác gì bây giờ. Từ khi vào đại học đến 10 năm sau khi ra trường, tôi đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi vốn rất cơ bản: Mình là ai, mình muốn gì? Nhìn lại những năm tháng ấy cùng trải nghiệm từ đó đến nay, tôi cố gắng rút ra những điều cốt lõi, những sợi dây giá trị xuyên suốt, bất biến, với ước muốn có thể giúp các bạn tiết kiệm thời gian, giảm thiểu phần nào những rủi ro không đáng có trong hành trình lập nghiệp.
Cuốn sách này được chia làm ba phần. Phần đầu “Trò chuyện cùng Gen Z” đề cập đến vị thế của “Việt Nam trong thế giới VUCA - Nhìn ra thế giới”. Khi đưa mắt nhìn ra xã hội, chúng ta chợt nhận ra rằng có những chuyện dù xảy ra ở đâu đó xa xôi cách hàng triệu cây số cũng có thể ảnh hưởng đến chúng ta gần như ngay lập tức. Đất nước ta đã hội nhập với thế giới rất sâu khiến mỗi người cần phải có một thế giới quan cơ bản để hiểu được chuyện gì đang xảy ra ở đâu, với ai và tại sao.
Phần 2 tập trung vào việc xây dựng nội lực cho chính mình. Nội lực ở đây là sức mạnh nội tâm cho mỗi người sự tự tin để quyết định được hướng đi trước những bước ngoặt cuộc đời, biết cách đặt vấn đề, tổ chức được một hệ sinh thái tối ưu phục vụ cho mục tiêu của cuộc sống.
Phần 3 cuốn sách xoay quanh chủ đề “Khởi nghiệp”. Có nội lực rồi, có khả năng định vị và định hướng cuộc đời làm ăn với thế giới chung quanh thì sẽ cần những giá trị nền tảng cụ thể để có thể phát triển cá nhân bền vững và điều hành công việc hiệu quả, dù các bạn khởi nghiệp điều hành công ty của mình hay đi làm thuê.
Trong cuộc đời, các bạn sẽ phải học hoài học mãi. Học để thích nghi với cuộc sống, học để không bị bỏ lại. Vì vậy, các bạn cần có một nền tảng trí tuệ và kiến thức tốt để biết nên học như thế nào, học cái gì nhằm phục vụ cho những mục tiêu ngắn hay dài hạn trong cuộc đời của bạn. Cuốn sách này không dạy chiêu thức, không dạy cách nên làm gì và làm như thế nào như loại sách “how to”. Mục tiêu của tôi khi viết cuốn sách này là khơi gợi để các bạn có thể tự đặt câu hỏi gần đúng nhất cho chính mình trước mỗi tình huống cụ thể. Có câu hỏi đúng tất sẽ có câu trả lời thích hợp.
Trong các năm qua, tôi đã nhận được nhiều phản hồi tích cực về các bài nói chuyện của mình từ các bạn trẻ. Điều này giúp tôi thêm động lực để tiếp tục công việc này. Sau khi cuốn sách này tới tay các bạn, nếu các bạn muốn được giải đáp thêm, tôi luôn sẵn sàng. Các buổi đối thoại, chia sẻ chuyên sâu (online hay offline) sẽ được tổ chức, hoàn toàn miễn phí, nếu các bạn yêu cầu. Đây là lời hứa của tôi!
Cuốn sách này chắc chắn đã không thành hình nếu không có sự hợp tác, đóng góp nhiệt tình của chị Nguyễn Thị Diễm Châu, trong vai trò một người biên soạn dựa trên phát biểu của tôi được ghi âm lại. Vì tôi không chuẩn bị sẵn bài phát biểu cho nên công việc của chị Diễm Châu thật sự khó khăn và mất thời gian hơn nhiều so với công việc của một biên tập viên thuần túy.
Tôi cũng xin cám ơn anh Vũ Trọng Đại đã khuyến khích tôi xuất bản cuốn sách này, và Ban biên tập của Công ty Xuất bản Khoa học và Giáo dục Thời Đại (TIMES) đã giúp tôi và chị Diễm Châu hoàn thiện bản thảo.
Qua cuốn sách này, tôi xin gửi đến các em học sinh, sinh viên, thanh niên tình cảm sâu sắc nhất của tôi, và tôi mong rằng cuốn sách sẽ đóng góp được ít nhiều cho hành trình vào đời của các em.
Và Ba cũng đặc biệt gửi tặng cuốn sách này đến các con thương yêu của Ba: Trần Sĩ An (Alex), Trần Hoàng Mai (Sarah), Trần Sĩ Khang (Peter) và Trần Bảo An (Sophia). Khi Ba nói chuyện với các bạn trẻ, Ba luôn thấy hình ảnh của các con trong các bạn, với cùng những mong ước cho một tương lai có ý nghĩa, hạnh phúc, như Ba mong ước cho các con của Ba.